Xây Dựng Hội Thánh Bản Xứ

Anh chị giận Đức Chúa Trời chăng? (Bài giảng của mục sư David Wilkerson

Picture
Ngày 16 tháng 02 năm 1998

Tôi tin rằng không có sự nguy hiểm nào lớn hơn cho Cơ-đốc nhân bằng việc luôn mang theo trong mình sự chống đối Đức Chúa Trời. Phải, tôi giựt mình khi nhận ra sự gia tăng con số tín hữu lằm bằm với Đức Chúa Trời tin mà tôi gặp. Hầu hết họ không công nhận điều này, nhưng tận sâu trong lòng, họ chất chứa một số hình thức oán trách chống đối Ngài. Tại sao? Họ cho rằng Ngài không quan tâm đến đời sống và những khó khăn của họ! Họ bị thuyết phục rằng Ngài không quan tâm, chăm sóc họ – bởi vì Ngài đã không trả lời một lời cầu nguyện nào đó, hoặc hành động cho họ.

Gần đây tôi thường nhận được thư từ một người trẻ tuổi đang bị giam cầm trong một trại tù ở miền nam. Người đó vốn là một Cơ-đốc nhân hết lòng yêu mến Chúa – nhưng bây giờ anh ta bảo rằng mình tức giận Đức Chúa Trời. Anh ta viết: “Tôi đang ở trong đái của địa ngục – và tôi tin Đức Chúa Trời sẽ bỏ mặc tôi tại đây! Có một thời điểm trong cuộc đời, tôi đã muốn đi theo Chúa Cứu Thế với tất cả con tim. Nhưng có một tội lỗi đã chiến thắng tôi – tội tà dâm. Tôi đã thử cố gắng ăn năn, nhưng không giúp được gì. Tôi cố đọc Kinh Thánh, học Kinh Thánh và cầu nguyện – nhưng không ít lợi. Tội lỗi của tôi lúc nào cũng cai trị tôi. Và bây giờ tôi lãnh một án tù dài cũng vì thế.

Tôi đã đầu hàng trong trận chiến thuộc linh. Việc thử chiến đấu dường như không còn giá trị. Trước đây Đức Chúa Trời đã từng giải cứu tôi khỏi nghiện ngập và say sưa khi tôi mới trở nên một Cơ-đốc nhân. Nhưng tại sao Chúa đã không cất sự ham muốn tình dục khỏi tôi?”

Mỗi trang thư của người trẻ này chứa đầy sự cay đắng với Đức Chúa Trời. Anh đã để cho sự tức giận của anh ta trở thành cơn thạnh nộ!

Tôi cũng nhận thấy sự cay đắng giống vậy đã gia tăng ở giữa những người hầu việc Đức Chúa Trời trong nhiều hệ phái. Họ bị vỡ mộng, kiệt lực, và trở nên tức giận Đức Chúa Trời – và họ đã rời bỏ sự kêu gọi thánh. Khi bạn hỏi tại sao, họ sẽ trả lời: “Tôi đã từng sốt sắng, trung tín – tôi dâng hiến điều tốt nhất. Nhưng càng cố gắng, tôi càng thấy ít kết quả. Hội Thánh của tôi không thỏa lòng với tôi. Và dường như những lời cầu nguyện của tôi trở nên vô ích. Có lúc tất cả những gì tôi giảng dạy đều không ra gì cả, vì nó đã không có hiệu quả ngay chính trong đời sống của tôi. Bây giờ tôi từ bỏ chức vụ cho đến khi tìm ra câu trả lời.”

Tôi cũng được biết, trải qua nhiều năm kinh nghiệm, rằng chỉ một số rất ít trong những người trên quay trở lại với chức vụ. Tại sao? Bởi vì họ tiếp tục cầm giữ sự chống đối Đức Chúa Trời bên trong! Họ bảo: “Tôi đã làm những gì đúng và cần. Nhưng không có một điều nào xảy đến như tôi đã hầu việc. Tôi đã trung tín với Chúa – nhưng Ngài đã làm tôi thất vọng!”

Hậu quả nguy hiểm và cay đắng của việc cầm giữ sự chống đối Đức Chúa Trời đã có mặt trong gia đình tôi gần đây!

Cách đây không lâu tôi cầm đọc quyển hồi ký của một giáo sĩ tựa đề “Aggie” - và tôi đã không thể để nó xuống được. Câu chuyện lạ lùng đã chiếm lấy lòng tôi, nên tôi đã đọc một mạch suốt qua câu chuyện trong một lúc. Tôi muốn tóm lược câu chuyện cho bạn ở đây - bởi vì nó nói lên sức mạnh tàn phá của sự tức giận trong lòng một Cơ-đốc nhân:

Năm 1921, hai cặp vợ chồng trẻ ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển, đáp tiếng gọi của Đức Chúa Trời đi làm giáp sĩ cho một cách đồng truyền giáo tại Phi Châu. Họ là hội viên của Giáo Hội Philadelphia, là Giáo Hội thường gởi giáo sĩ đến khắp các địa phương trên thế giới. Trong một buổi giảng về truyền giáo, hai cặp vợ chồng trẻ này nhận được gánh nặng về sự trong tại xứ Belgian Congo, bây giờ đổi tên là Zaire.

Hai cặp vợ chồng trẻ đó là David & Swea Flood và Joel & Bertha Erickson. Cô Swea Flood là người nhỏ con, nhưng là một ca sĩ nổi tiếng ở Thụy Điển. Cả hai vợ chồng đã từ bỏ mọi sự tận hiến cuộc đời cho Tin Lành.

Khi đến Belgian Congo, họ báo tin cho một văn phòng truyền giáo địa phương. Đoạn họ dùng rựa mở đường đi vào vùng rừng sâu, nước độc trong nội địa Congo. David và Swea có một đứa con trai hai tuổi, tên “Tiểu David”, họ phải cõng con mình trên lưng. Dọc đường đi, cả hai gia đình đều bị bệnh sốt rét. Dẫu vậy họ cứ tiếp tục đi tới với sự hăng hái, sẵn sàng chịu tuận đạo cho Chúa.

Cuối cùng, họ tới một làng nằm sâu trong nội địa. Nhưng trước sự ngạc nhiên của họ, dân làng không cho phép họ vào làng. Dân làng bảo: “Chúng tôi không thể cho bất cứ một người da trắng nào vào làng được, vì làm thế sẽ xúc phạm đến thần của chúng tôi.” Vì vậy, hai gia đình phải đi đến ngôi làng thứ hai - nhưng tại đây họ cũng bị từ chối.

Lúc đó không có bất cứ một làng mạc nào khác ở chung quanh. Hai gia đình dù đã rất nhọc mệt, nhưng không còn cách nào khác hơn là phải tìm chỗ cấm lều. Họ chặt cây mở đường, tiến vào một vùng trung tâm của rừng núi và xây những cái chòi bằng đất và ở đó.

Ngày tháng trôi qua, tất cả mọi người đều bị đau đớn vì cô đơn, bệnh tật và suy kém dinh dưỡng. Cậu Tiểu David bị bệnh nặng, và họ hầu như không tiếp xúc được với bất cứ một người dân nào trong làng.

Khoảng sáu tháng sau, Joel & Bertha Erickson quyết định quay trở lại trạm truyền giáo. Họ khuyên ông bà Floods cùng đi. Nhưng bà Swea không thể đi được vì vừa mới mang thai. Lại thêm bệnh sốt rét của Swea ngày thêm tệ. Bên cạnh đó, ông David bảo: “Tôi muốn con tôi được sanh ra tại Phi Châu. Tôi đến để dâng cả cuộc đời cho xứ sở này.” Vì vậy, ông bà Floods đành chào tiển biệt hai người bạn của mình trên hành trình 180 cây số trở về trạm truyền giáo.

Nhiều tháng sau, bà Swea mắc thêm chứng bệnh sốt cấp tính. Tuy nhiên, trong thời gian đó, Bà làm chứng cho một em bé từ một trong những làng gần đó đến thăm. Đứa bé đó là người duy nhất ông bà Floods đem về với Chúa. Em mang trái cây đến cho ông bà Floods, và khi bà Swea làm chứng, giảng dạy, em chỉ mĩm cười với bà.

Cuối cùng, bệnh sốt rét của bà Swea trở nên trầm trọng, khiến bà nằm liệt trên giường. Đến kỳ sanh nở, bà cho chào đời một bé gái kháu khỉnh. Nhưng chỉ trong vài tuần sau, bà ở trong giây phút hấp hối. Trong giây phút sau cùng của cuộc đời, bà Swea thều thào với ông David: “Hãy đặt tên con mình là Aina.” Sau đó bà trút hơi thở cuối cùng.

Ông David Flood rất xúc động và đau buồn trước cái chết của người vợ thân yêu. Gom hết sức lực còn lại, ông lấy những mảnh gỗ đóng một chiếc quan tài cho bà Swea, và chôn người vợ yêu dấu của mình trong một ngôi mộ sơ xài bên sườn núi.

Khi đứng bên cạnh ngôi mộ của vợ, lặng nhìn đứa con trai nhỏ kế bên, và nghe tiếng khóc của đứa con gái mới chào đời trong ngôi chòi đất. Thình lình sự cay đắng tràn ngập trong lòng. Một sự tức giận sôi trào lên trong lòng – và David không thể kềm chế được. Ông khóc lóc, tức tối kêu gào: “Chúa ơi, tại sao Chúa để điều này xảy ra? Chúng con đến đây để dâng cuộc đời cho Ngài! Vợ con rất xinh đẹp và có nhiều tài năng. Nhưng rồi nàng nằm xuống đây khi tuổi đời mới hai mươi bảy!

Bây giờ con có một con trai hai tuổi, không thể chăm sóc được, huống chi còn thêm đứa con gái mới sanh. Trong suốt một năm qua trong khu rừng vắng này, tất cả những gì mà chúng con đã làm được chỉ là nói về Ngài cho một thằng bé con trong làng. Mà chính nó cũng không hiểu những gì chúng con chia xẻ nữa. Chúa ơi, Ngài làm cho chúng con thất bại. Thật là hoang phí ca cuộc đời!”

Sau đó, David Flood mướn vài người dân bản xứ dẫn đường, đem hai đứa con về trạm truyền giáo. Khi ông gặp gia đình Erickson, ông nóng giận quát: “Tôi rời khỏi đây! Tôi không thể một mình dẫn hai đứa con đi được. Tôi đem đứa con trai trở về Thụy Điển, và bỏ đứa con gái mới sanh ở lại với hai người!" Với quyết định đó, David để Aina lại cho ông bà Erickson nuôi dưỡng.

Suốt trên đường trở về Stockholm, David Flood đứng trên boong tàu mà sôi sục lằm bằm Đức Chúa Trời. Ông nói với mọi người rằng ông đến Phi Châu để trở thành một người tuận đạo - để đem người về với Chúa Cứu Thế Giê-su với bất cứ giá nào. Nhưng bây giờ ông trở về với một con người bị đánh gục và gãy đổ. Ông cho rằng ông đã hết lòng trung tín - nhưng Đức Chúa Trời đã “thưởng” cho ông bằng sự bỏ mặc.

Khi đến Stockholm, David quyết định chọn con đường làm ăn, ông làm nghề xuất nhập cảng để tạo sự nghiệp. Ông cũng không muốn bất cứ ai chung quanh nhắc đến Đức Chúa Trời khi ông có mặt. Khi có ai lỡ nhắc đến Chúa, David giận dữ, gân cổ nổi lên. Cuối cùng, ông trở nên nghiện rượu nặng.

Một thời gian ngắn sau khi David rời Phi Châu, hai người bạn của ông là ông bà Erickson, chết cách thình lình (có lẽ bị người chủ làng đầu độc). Vì vậy, em bé Aina được giao cho một cặp vợ chồng người Mỹ - là những người thân mến tôi biết, tên Arthur & Anna Berg. Ông bà Bergs đem bé Aina với mình đi đến một làng tên Massisi, ở miền bắc Congo. Tại đó, họ gọi em là “Aggie”. Từ đó bé Aggie học tiếng Swahili và chơi với các em bé Congo.

Hầu hết trong thì giờ chơi, em Aggie học cách chơi trò chơi gọi là tưởng tượng. Em tưởng tượng em có bốn người em trai và một người em gái, và em đặt cho họ những tên tưởng tượng. Cô thường sắp bàn cho em mình và ngồi nói chuyện với họ. Cô cũng có thể tưởng tượng như em gái mình đang cố sức tìm kiếm mình.

Khi ông bà Bergs về nghỉ hè tại Mỹ, ông bà đem Aggie theo, đến vùng Minneapolis. Cuối cùng, ông bà phải ở sinh sống tại đó. Aggie lớn lên và lập gia đình với Dewey Hurst, người về sau trở nên Viện trưởng Chủng viện Northwest Bible College, một trường Thần học Ngũ tuần ở Minneapolis.

Trải qua nhiều năm khi lớn khôn, Aggie cố tìm cách liên lạc với cha mình - nhưng không được! Aggie không bao giờ biết rằng cha cô đã tái giá - lần này ông kết hôn cùng em gái út của bà Swea, là người không kính sợ Đức Chúa Trời. Ông có tất cả 5 đứa con nữa, ngoài Aggie - 4 trai và 1 gái (giống như điều Aggie đã tưởng tượng). Vào thời điểm này, David Flood đã trở nên nghiện rượu, và mắt ông đã làn.

Trải bốn năm, Aggie tìm cách liên lạc với cha mình, nhưng thư của cô không bao giờ được trả lời. Cuối cùng, Chủng viện tặng cho cô và chồng vé máy bay khứ hồi đi Thụy Điển. Đây là cơ hội tốt để cô có thể tự mình tìm tông tích người cha.

Sau chuyến bay vượt Đại tây dương, hai vợ chồng dừng chân một ngày ở Luân Đôn. Họ quyết định đi bộ dạo thành phố, nên hai vợ chồng đi dọc theo Royal Albert Hall. Họ vui mừng khi khám phá ra Đại Hội truyền giáo của Giáo hội Hội Chúng Đức Chúa Trời đang diễn ra tại đó. Họ vào bên trong, đúng lúc nghe một vị diễn giả da đen đang làm chứng về những công việc lạ lùng, to lớn của Đức Chúa Trời tại Zaire - tức Belgian Congo!

Tim Aggie đập nhanh. Sau buổi nhóm, Aggie đến gặp vị diễn giả hỏi: “Ông có bao giờ nghe nói đến vợ chồng giáo sĩ David & Swea Flood không?” Vị diễn giả đáp: “Vâng, tôi biết. Chính bà Swea Flood là người đã đem tôi đến với khi tôi còn là một đứa bé. Ông bà Floods có một đứa con gái nhỏ, nhưng tôi không biết cô ta bây giờ ra sao!” Aggie la lên: “Tôi chính là đứa bé gái nhỏ đó đây! Tôi tên Aggie - tức Aina!”

Khi nghe nói thế, vị diễn giả nắm chặt hai tay Aggie, ôm chặt cô và khóc trong sự vui mừng. Aggie khó có thể tin rằng người này là đứa nhỏ mà mẹ mình từng giảng đạo cho. Anh ta đã lớn lên và trở thành một giáo sĩ truyền giảng khắp đất nước của anh. Nơi hiện nay có 110,000 Cơ-đốc-nhân, 32 trạm Truyền giáo, nhiều trường Kinh Thánh và một bệnh viện với 120 giường.

Ngày hôm sau, Aggie và Dewey rời Luân Đôn đi Stockholm - và tin tức đã loan truyền cho biết cô đang đến. Tại thời điểm đó, Aggie biết được mình có bốn anh em trai và một em gái. Ngạc nhiên hơn nữa khi ba người em trai đến chào mừng cô tại khách sạn. Cô hỏi họ: “Anh David đâu?” Họ ngại ngùng chỉ tay về hướng hành lang đối diện, nơi một người cô đơn, tiều tụy đang ngồi trên ghế. Anh “Tiểu David” của cô bây giờ là một người nhăn nheo với mái tóc đã hoa râm. Giống cha, Tiểu David mang sự cay đắng trong lòng và gần như hủy hoại cuộc đời với men rượu.

Khi Aggie hỏi thăm về cha, các em nàng bất thần tức giận. Tất cả đều căm ghét cha mình. Nhiều năm qua không ai nói chuyện, hay tiếp xúc với cha cả.

Tiếp theo Aggie hỏi: “Còn em gái tôi thì sao?” Họ trao cho Aggie số điện thoại, và cô gọi liền tức thì. Em gái cô bắt lên - nhưng khi cô nói cho biết cô là ai, thì thình lình giây điện thoại bị cúp. Aggie thử cố gắng gọi thêm mấy lần, nhưng không ai trả lời.

Tuy nhiên, một chốc sau, em gái cô đã đến khách sạn và vòng tay ôm lấy chị mình. Em cô bảo: “Suốt cả đời, em đã mơ về chị. Em thường trải bản đồ thế giới ra, đặt chiếc xe hơi cao su trên ấy, giả bộ như lái khắp nơi trên thế giới để tìm chị!”

Em gái của Aggie cũng khinh miệt cha mình, ông David Flood. Nhưng hứa sẽ giúp Aggie tìm kiếm ông. Họ lái xe đến một khu nghèo khổ của Stockholm, đi vào một khu nhà đổ nát. Khi họ gõ cửa, một người đàn bà ra mở cho họ vào.

Bên trong, võ chai rượu quăng bừa bãi khắp nơi. Và cha cô, một cựu giáo sĩ, nằm trên một chiếc giường cũ kỹ trong góc phòng. Ông David Flood bây giờ đã bảy mươi ba tuổi và đang mắc bệnh tiểu đường nặng. Ông cũng đã một lần bị tai biến mạch máu não, và cả hai mắt bị kéo mây che mờ hết.

Aggie ngồi bên cạnh ông khóc sướt mướt: “Cha, con là đứa con gái nhỏ mà cha bỏ lại Phi Châu năm xưa đây.” Người đàn ông quay lại và nhìn vào mặt cô. Đôi mắt đẫm lệ. Ông nói: “Cha không bao giờ muốn bỏ con. Chỉ vì cha không thể lo được cho cả hai đứa.” Aggie nói: “Cha đừng buồn! Đức Chúa Trời đã chăm sóc con!”

Bất ngờ, mặt cha cô sa sầm lại, ông nói: “Đức Chúa Trời đã không chăm sóc con!” Ông tức giận: “Ngài đã hủy phá toàn vẹn gia đình chúng ta. Ngài đã dẫn chúng ta đến Phi Châu và phản bội chúng ta. Không có gì tốt lành tại đó cả. Thật là uổng phí cả cuộc đời chúng ta!”

Aggie kể lại chuyện vị diễn giả da đen cô gặp ở Luân Đôn, và thể nào cả nước Congo được nghe Tin Lành qua ông ta. Cô nói: “Đó là sự thật đó cha. Mọi người đều biết chuyện cậu bé da đem tin Chúa. Câu chuyện từng được đăng trên khắp các mặt báo.”

Bất ngờ, Chúa Thánh Linh đến trên ông David Flood, và ông đã xúc dộng. Nước mắt của sự đau buồn và ăn năn lăn trên má ông. Đức Chúa Trời đã tái tạo lại David.

Một thời gian ngắn sau buổi họp mặt, ông David Flood đã qua đời. Dầu vậy, ông đã được Đức Chúa Trời tái tạo, bỏ lại sau lưng những sự đổ nát. Ngoài Aggie, gia tài của ông là năm đứa con - tất cả đều không tin Chúa và sống trong sự cay đắng.

Aggie viết lại toàn bộ câu chuyện. Nhưng trong khi đang viết, bà bị bệnh ung thư. Ngay sau khi hoàn tất câu chuyện, Aggie về với Chúa trên thiên đàng.

Sứ điệp này dành cho tất cả những ngi tin Chúa - giống như David Flood - Họ có quyền tức giận Đức Chúa Trời!

David Flood đại diện cho nhiều Cơ-đốc-nhân ngày nay. Họ bị thất vọng, ngã gục, và bây giờ đang tràn đầy sự tức giận, cay đắng với Đức Chúa Trời!

Thánh Kinh cho chúng ta một thí dụ cho điều này trong sách Giô-na. Giống như David Flood, Giô-na nhận được tiếng gọi truyền giáo từ Đức Chúa Trời. Ông đến thành Ni-ni-ve để rao truyền sứ điệp đoán phạt của Đức Chúa Trời: Thành phố sẽ bị hủy diệt trong 40 ngày nữa!

Sau khi rao truyền sứ điệp, Giô-na ra ngoài thành cất một cái chòi, ngồi chờ xem Đức Chúa Trời thi hành bản án của Ngài. Nhưng khi hạn bốn mươi ngày đã qua, không có điều gì xảy ra cả. Tại sao? Vì dân thành Ni-ni-ve đã ăn năn, và Đức Chúa Trời đã đổi ý trong việc tiêu diệt họ. Điều này làm cho tiên tri Giô-na tức giận. Ông khóc lóc: “Chúa ơi, Ngài đã phản bội con! Ngài đặt một gánh nặng trên vai con, bắt con phải đến đây để rao truyền án phạt của Ngài. Mọi người dân Y-sơ-ra-ên trong nước đều biết điều này. Nhưng bây giờ Chúa đã thay đổi mọi sự nhưng không hề nói cho con biết. Bây giờ con nhìn thấy mình giống như một tiên tri giả.

Dưới ánh nắng như thiêu, như đốt, Giô-na ngồi rên rĩ, tức giận Đức Chúa Trời. Dẫu vậy, do sự thương xót của Đức Chúa Trời, Ngài tạo một dây dưa che nắng cho Giô-na: “... đặng phủ bóng trên đầu người, và cứu người khỏi sự khổ cực...” (Giô-na 4:6).

Chữ “không đẹp lòng” có nghĩa là “không vui thỏa, thất vọng”. Nói cách đơn giản, Giô-na không đẹp lòng vì mọi sự không xảy ra như điều ông đã hoạch định. Đức Chúa Trời đã làm thay đổi mọi toan tính của Giô-na - tánh tự cao của ông bị tổn thương!

Đây là chỗ mà hầu hết sự tức giận Đức Chúa Trời bắt đầu - do sự thất vọng. Đức Chúa Trời có thể kêu gọi chúng ta, đặt gánh nặng trong chúng ta, và sai chúng ta đi - nhưng Ngài cũng có thể thay đổi chương trình mà không cần bàn với chúng ta về chương trình đời đời do quyền tễ trị của Ngài. Và khi sự việc không diễn ra như chúng ta đã hoạch định, chúng ta có thể cảm thấy bị lừa dối hay phản bội.

Tại thời điểm đó, Đức Chúa Trời hiểu được sự khóc lóc, đau khổ và bối rối của chúng ta. Dẫu sao thì sự khóc lóc than van của chúng ta cũng là sự tự nhiên của một con người. Chính Chúa Cứu Thế Giê-su cũng đã kêu van trên thập tự giá: “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?”

Nhưng nếu chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng sự tức giận, nó sẽ phát triển thành sự phẩn nộ bên trong chúng ta. Và lúc đó Đức Chúa Trời cũng sẽ hỏi chúng ta câu mà Ngài đã hỏi tiên tri Giô-na: “Ngươi giận ta có nên không?...” (câu 9). Nói cách khác, Chúa hỏi: “Con nghĩ rằng con có quyền tức giận ta không?”

Giô-na đã trả lời thẳng thừng: “Tôi có tất cả mọi quyền để tức giận Chúa cho đến chết.” “Tôi giận Chúa cho đến chết cũng phải lắm!” Tại đây chúng ta thấy một ông tiên tri đang bực mình, cáu tiết, lòng đầy sự tức giận Đức Chúa Trời. Ông ta nói: “Tôi bất kể mình sống hay chết. Chức vụ của tôi đã thất bại. Tất cả sự khổ cực của tôi trở nên luống công. Tôi đã ở trong bụng cá ba ngày đêm để làm gì? Chúa đã thay đổi tất cả đối với tôi. Vì vậy tôi có quyền tức giận Ngài!”

Nhiều Cơ-đốc-nhân cũng giống như tiên tri Giô-na - họ nghĩ rằng họ có quyền tức giận Đức Chúa Trời. Họ nghĩ: “Tôi cầu nguyện, tôi đọc Kinh Thánh, tôi vâng theo Lời Chúa dạy. Thế nhưng tại sao những sự khó khăn lại cứ đổ trên cuộc đời tôi? Tại sao tôi không thấy được những phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã hứa với tôi? Chúa đã làm tôi thất bại!”

Sự nguy hiểm hơn hết của việc nuôi dưỡng sự tức giận, cau có với Đức Chúa Trời là nó sẽ dẫn quý vị vượt qua lằn ranh của sự có thể nguôi ngoa!

Nuôi dưỡng tình trạng tức giận rất dễ dẫn đến chỗ mà bạn trở nên người không còn ai, hay bất cứ điều gì có thể giải khuyên được.

Tiên tri Giê-rê-mi viết: “... Tại Ra-ma, có tiếng rên la. Tiếng Ra-chên than khóc đàn con. Để tang, khóc lóc, kêu ca. Nhưng có bao giờ khuây khỏa. Vì chúng đã ra đi khuất bóng.” (Giê-rê-mi 31:15, BDY).

Tại thời điểm tiên tri Giê-rê-mi viết những lời này thì dân Y-sơ-ra-ên đang bị dân A-sy-ri bắt đi làm phu tù. Nhà cửa bị đốt, vườn ruộng của họ đều bị hủy phá. Thành Giê-ru-sa-lem trở thành đóng gạch vụn. Chung quanh họ không nhìn thấy gì khác ngoài toàn sự hoang tàn và đổ nát. Vì vậy tiên tri Giê-rê-mi dùng hình ảnh bà Ra-chên - tổ mẫu của họ - là người đang đau khổ, khóc than khi nhìn thấy con cháu bị bắt đi khỏi mình, mà không còn điều gì để an ủi được.

Trong nghĩa bóng, tiên tri Giê-rê-mi muốn nói rằng dân Y-sơ-ra-ên đã lún sâu trong sự buồn rầu, đã vượt qua lằn ranh của sự khuyên giải. Tiên tri Giê-rê-mi không thể an ủi họ; cũng không ích lợi gì khi muốn tìm cách nói chuyện với họ. Trong đầu óc họ, Đức Chúa Trời đã để cho họ bị quân thù bắt làm phu tù. Vì vậy họ có quyền cây đắng với Ngài!

Nhưng đây là điều nguy hiểm: Khi chúng ta chất chứa sự thắc mắc và cằn rằn lâu ngày, nó sẽ trở nên sự cáu tiết. Sự cáu tiết trở thành sự cay đắng. Và cuối cùng, sự cay đắng biến thành sự tức giận. Tại thời điểm đó, chúng ta không còn có thể lắng nghe bất cứ lời khuyên giải nào hết. Lời Đức Chúa Trời cũng không còn tác động trên chúng ta. Không còn ai - bạn bè, Mục sư hay vợ chồng - có thể đụng đến chúng ta. Chúng ta đóng tất cả sự an ủi nhỏ nhẹ của Chúa Thánh Linh.

Đối với những ai nhận ra rằng mình đã sắp đến lằn ranh cuối cùng của sự khuyên giải, thì có tin mừng cho người ấy!

Lời Đức Chúa Trời cho biết có một hy vọng: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hãy nín tiếng ngươi, đừng than khóc, mắt ngươi đừng sa lụy, vì công việc của ngươi sẽ được thưởng; chúng nó sẽ trở về từ xứ kẻ thù, Đức Giê-hô-va phán vậy.” (Giê-rê-mi 31:16). Nói cách khác: "Đừng than khóc nữa, đừng cằn nhằn nữa. Ta sẽ ban thưởng cho con về sự trung tín con có.”

“Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi. Hãy vững vàng, chớ rúng động. Hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn. Ví biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” (1 Cô-rinh-tô 15:58). Anh chị em yêu dấu, sự than khóc và lời cầu nguyện của anh chị em không vô ích đâu! Tất cả sự đau khổ và nước mắt của anh chị em có mục đích của nó.

Đức Chúa Trời nói với anh chị em: “Khi con nhìn lại, con chỉ thấy hoàn cảnh của mình - thất bại, đổ nát, không kết quả. Vì vậy con nói rằng: Mọi sự đã chấm dứt! Nhưng ta bảo con đó là sự bắt đầu! Ta có phần thưởng sẽ ban lại cho con. Ta có những điều tốt đẹp trong tâm trí dành cho con - những điều thật kỳ diệu. Vì vậy, con đừng than khóc nữa!”

Hỡi các thánh đồ yêu dấu, hãy để Thần của Đức Chúa Trời chữa lành mọi sự cay đắng, tức giận, cọc cằn của anh chị em - trước khi nó hủy hoại cuộc đời quý vị! Có thể anh chị em chỉ thấy toàn đổ nát trong cuộc đời - nhưng Đức Chúa Trời thấy sự xây dựng lại. Hãy để Đức Chúa Trời tái tạo lại cuộc đời bạn ngay bây giờ từ giữa sự hoang tàn chung quanh. Đức Chúa Trời chỉ có điều tốt đẹp trong trí dành cho quý vị. Bởi vì: “...Ngài là Đấng hay ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.” (Hê-bơ-rơ 11:6b). Ha-lê-lu-gia!

---
Sử dụng do sự cho phép của World Challenge, P. O. Box 260, Lindale, Texas 75771, USA